Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXII Mùa Thường Niên (Lc 17,1-6) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 17,1-6

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Tt1, 1-9

Titô là đệ tử của Thánh Phaolô. Được thánh nhân trao nhiệm vụ phụ trách giáo đoàn Creta, một đảo lớn của Địa Trung Hải. Đây là một nhiệm vụ khó khăn vào thời mà Hội Thánh được thành lập và xây dựng các cơ cấu căn bản.

Tôi là Phaolô, tôi tớ của Thiên Chúa…

Tước hiệu nhân loại duy nhất của Phaolô: Tối tớ… tôi để hình ảnh đơn sơ này chiếm đoạt tôi. Đối với tôi, nó tiêu biểu điều gì ? Khiêm nhượng, năng lực, tận tuỵ, biết lắng nghe.

Tông-đồ của Đức Giêsu Kitô…

Tông-đồ có nghĩa “người được sai”. Đây còn là một hình ảnh của sự lệ thuộc, của lòng khiêm nhượng: Kẻ được sai không tuyên bố nhân danh riêng mình, mà nhân danh Người sai mình.

Tôi lo lắng thế nào để sống phù hợp đích thực với Đức Giêsu Kitô?

Có nhiệm vụ đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin, và sự nhận biết chân lý phù hợp với đạo thánh.

Người ta nói, đây là một định nghĩa đẹp nhất của việc Tông-đồ. Tôi dựa vào câu này để nhớ cầu nguyện cho những kẻ tôi có nhiệm vụ chăm sóc. Tôi không thể ban đức tin cho họ…tôi cần cố gắng “dẫn đưa họ tới…”. Đó thật là khiêm tốn!

Với niềm hy vọng được sống đời đời mà Thiên Chúa Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời.

Tôi lặp lại kiểu nói này. Tôi lặp đi lặp lại, để từng tiếng một thấm vào tôi.

Tôi đã để anh ở lại đảo Crete, chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức và đặt những kỳ mục trong mỗi thành.

Người ta thường có xu hướng lý tưởng hóa các “Kitô hữu tiên khởi” như là họ sống trong một thế giới siêu phàm chói ngời hào quang những đức tín tốt lành. Lịch sử đâu có ghi lại cuộc sống thơ mộng ấy: Hội Thánh luôn có những vấn đề cụ thể phải đặt ra như tất cả các đoàn thể nhân loại khác. Trước tiên, cần có những “người tổ chức”. Và công việc này không phải là dễ. Titô nhận lãnh nhiệm vụ bầu lến các “chức sắc”, chắc chắn đó là “Hội đồng các kỳ mục”, như trong các hội-đường Do-thái : Titô phải lựa chọn giữa các Kitô hữu, các người lớn tuổi, già dặn, đây kinh nghiệm. Các sử gia bàn cãi để biết có phải đó là những linh mục chính trực hay không : Dù sao các kẻ ấy có ít nhiều phận vụ phải thi hành.

Tôi cầu nguyện cho tất cả những ai mang trách nhiệm trong Hội Thánh ngày nay.

Họ phải có những đức tính nào? Họ phải là người không chê trách được… Phải có một đời sống chừng mực… Một tình yêu vợ chồng gương mẫu… Biết điều khiển gia đình tốt đẹp… Phải hiếu khách.

Nếu Phaolô đi vào các chi tiết như vậy, là vì đã có những khó khăn về các điểm ấy. Điều nầy minh chứng rằng, một linh mục không chỉ rao giảng Tin Mừng bằng các “lời nói” hay các “bài giảng”… mà trước tiên còn bằng cả đời sống mình nữa.

Điều này cũng rất đúng cho mọi người: Giáo dân, tu sĩ nam nữ, linh mục.

Với tư cách quản lý nhà của Thiên Chúa… người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bỏ lại những kẻ chống đối…

Đó là hai nhiệm vụ của người “đặc trách” cộng đoàn: quản trị như một người “quản lý tốt” (đó là tiếng Đức Giêsu đã dùng)…và dạy dỗ…

Bài đọc II: Kn 1, 1-7

Suốt tuần này chúng ta sắp đọc sách “Khôn Ngoan”. Sách này là bản văn cuối cùng của Cựu ước. Nó đã được một người Do-thái sống ở Alexandria trước tác vào khoảng năm 50 trước Chúa Giêsu. Khi ấy, Alexandria là thủ đô của Ai Cập, nằm bên bờ Đại Tây Dương ở đầu châu Thổ sông Nil. Đó cũng là trọng tâm của dòng văn minh người ta gọi là “Hy Lạp”, một nền văn minh khoa trương, của những trường phái triết học và văn chương rực rỡ, một sự triển nở của các tôn thờ “mầu nhiệm” lôi cuốn quần chúng văn minh Hy lạp, với thuyết nhân bản tế nhị, cũng lôi cuốn các anh tài Do-thái “lưu lạc” và các nhóm nhỏ trong bối cảnh rộng lớn của lương dân đang thống trị này. Tác giả sách Khôn Ngoan, bị ảnh hưởng của tư tưởng Hy Lạp, cố đồng hoá nền văn minh này, diễn tả đức tin truyền thống của mình một cách mới mẻ.

Lạy Chúa, xin giúp con người thời đại chúng con thực hiện cùng một nỗ lực này.

Hãy chuộng đức công chính. Hãy nghĩ tưởng về Chúa cách ngay lành, và hãy tìm kiếm Người với tâm hồn đơn sơ.

Như vẫn thường thấy trong Kinh Thánh, phải hiểu “công chính”, là sự hòa hợp hoàn toàn giữa tư tưởng và hành động với ý Chúa.

Cũng vậy, lời khuyên đầu tiên của vị “hiền nhân” này là lời mời “suy nghĩ ngay chính”… Suy nghĩ của Thiên Chúa… “tìm kiếm Chúa” với tâm hồn đơn sơ.

Nỗ lực suy gẫm hằng ngày theo đường hướng này. Với điều kiện tôi nên để dạy với lời Chúa, và cố đem ra thực hành.

Vì những ai không thử thách Chúa, sẽ gặp thấy Người, và Người sẽ tỏ mình cho những ai tin vào Người. Vì chưng, những tà ý làm xa cách Chúa.

“ Tìm kiếm Chúa!” khi Thiên Chúa tìm gặp được trạng thái này trong lòng người. “Chúa cho họ tìm gặp”, “Chúa tỏ mình”…Thực chất, điều Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta, đó là sự ngay thật, chân lý. Các ý tưởng “quanh co” xa rời Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con thực hiện chân lý. Áp dụng ngay từ bây giờ phần lượng chân lý đã khám phá được. Đối với con hôm nay, đâu là sự đáp ứng của con đối với Chúa ? sự hoán cải Chúa mong đợi?

Thánh Thần, Đấng dạy dỗ chúng ta, sẽ xa tar1nh kẻ gian dối, lánh xa những tư tưởng ngông cuồng, và lui đi khi sự gian ác tới.

Chúng ta đang rất gần với giáo thuyết của Tân ước.

Thánh Thần Chúa, Đấng giáo hóa tinh thần con người. Anh sáng thần linh soi chiếu trúc động trí khôn con người : điều đó sẽ được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu…con người sẽ thông hiệp trọn vẹn với ý Chúa!

Nhưng ngược lại, mối nguy cũng đáng sợ khả năng con người “xa tránh” Thánh Thần… đặt Thánh Thần Chúa thành “vô hiệu”. Nhưng thái độ này bị coi như là phi lý, ngông cuồng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được thông suốt. Xin trợ giúp nỗ lực của mọi “nhà giáo”, của mọi người gắn mình vào nỗ lực kỳ diệu nhằm làm tăng triển chân lý… những giáo sư, cha mẹ, nhà giáo “với Thánh Thần!”

Trước thế giới khoa học HÔM NAY, đức tin không phải trốn chạy. Thánh Thần nâng đỡ trí khôn, người chỉ lùi bước trước sự ngông cuồng.

Thần trí khôn ngoan thì nhân hậu… vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can kẻ ấy, Người thực sự kiểm soát lòng nó và nghe lời nó nói.

Đây là bản văn nhập lễ, ca nhập lễ, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống! Chính Thánh Thần Chúa nối kết vũ trụ. Tôi suy gẫm lâu câu này, về thực tại nó trình bày: Thiên Chúa hiện diện!

BÀI TIN MỪNG: Lc 17, 1-6

Đức Giêsu nói với các môn-đệ rằng: “Không thể có những cớ làm cho người ta sa ngã, nhưng vô phúc thay kẻ làm cớ cho người ta sa ngã.

Đây là đề tài về trách nhiệm. Lạy Chúa, Chúa nói với chúng con rằng, chúng con không chỉ có trách nhiệm với chính mình. Chung quanh chúng con, còn có một khu vực ảnh hưởng. Vì ảnh hưởng của chúng con, cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể gây hại cho cảnh vực chung quanh. Đó là hiện tượng liên đới.

“Không ai là một hòn đảo”. Mọi người đều liên đới với kẻ khác. Mối “tương quan” của tôi thế nào ?

điều không hại đến tôi, lại có thể gây hại cho người khác. Tôi không tự miễn chước cho mình khỏi canh chừng điều đó. Những tâm trạng mang tính tập thể nằm trong mối tương quan này.

Thà nó bị người ta buộc cối đá vào cổ và xô xuống biển, còn hơn là nó làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này sa ngã.

Khi đề cập đến việc bảo vệ “trẻ nhỏ”, Đức Giêsu thường tỏ thái độ nghiêm ngặt. Ở đây, không chỉ nói đến trẻ thơ, nhưng còn nhắm đến mọi người nghèo khó, đến đám người không hiểu biết những chi tiết của thắc mắc và luật pháp. Không có những con người cứ tưởng mình thuộc nhóm ưu tuyển nào đó, mà làm cớ vấp phạm cho những kẻ đơn thành sao?

Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó. Nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó”.

Tình yêu “không giới hạn” là đặc tính riêng biệt của Kitô giáo. Ta không nên lướt qua danh hiệu “anh em” mà Đức Giêsu sử dụng.

Các Kitô hữu đều là anh em cả! nhưng không phải là những con người hoàn hảo. Đó là những kẻ tội lỗi. Đức Giêsu không khi nào mơ tưởng một cộng đoàn lý tưởng và không có vấn đề. Rõ ràng, Người đã gặp thấy một cộng đoàn, mà ở đó các phần tử gây hại nhau tới bảy lần trong cùng một ngày! người ta có lớn tiếng nói rằng, đó chỉ là một con số tượng trưng thôi, thì đây cũng là tình trạng hơi “căng” được nêu lên trong cộng đoàn đó.

Vì thế Đức Giêsu mới đòi hỏi phải tha thứ. Đó là điều cốt yếu của Kitô giáo. Nhưng đó cũng là điều rất khó khăn. Đó là điều Cha trên trời đã thực hiện đối với chúng ta.

Hôm nay, ai là người tôi phải tha thứ đây?

Mối tương quan cần được thiết dựng nơi tôi, giúp tôi có một trái tim mới, một trái tim theo gương Đức Kitô, là mối tương quan nào?

Các Tông-đồ thưa với Đức Giêsu….

Chúng ta có một mô hình đối thoại do những lời nói của Đức Giêsu khơi lên.

Thưa Thầy, xin cho chúng con được thêm lòng tin.

Lạy Chúa, các Tông-đồ là những người đầu tiên, cũng như chúng con là những kẻ kế tiếp các Ngài, ý thức sâu sắc tính nghiêm trọng của đòi hỏi mà Chúa trình bày cho họ. Thế nên, họ đã hướng lời cầu xin về Chúa: "Lạy Thầy, xin ban ơn giúp chúng con đạt được điều Thầy yêu cầu”.

Những lời Chúa thường dẫn đến một thứ cầu nguyện theo loại này.

Đặc biệt, đó là ý nghĩa của “Lời cầu nguyện chung” để kết thúc phần “phụng vụ Lời Chúa”trong thánh lễ đã được công đồng canh tân: chúng ta nghe bản văn Kinh Thánh… dựa vào đó chúng ta suy nghĩ đặt vấn đề… chúng ta cảm thấy mình yếu kém để thể hiện… chúng ta hướng tới Thiên Chúa để xin Người ban ơn, cho chúng ta và cho mọi anh em.

Chúa đáp: “nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh có bảo cây dâu này: hãy bật gốc lên, xuống dưới biển kia mà mọc ! Nó cũng sẽ vâng lời anh em”.

Lạy Chúa, biết bao cay cần bật gốc!

Con như kẻ nghèo khó trước mặt Chúa: xin ban cho con nhiều hạt cải.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Tránh gương xấu và tha thứ cho nhau.

HOÀN CẢNH:

Đức Giêsu giáo huấn các môn đệ về những điều cần thiết trong đời sống chung

Ý CHÍNH:

bài Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Đức Giêsu huấn dụ các tông đồ về đời sống chung : không được gây gương xấu cho những kẻ yếu đuối, nhưng tha thứ cho nhau và sống theo tinh thần đức tin.

TÌM HIỂU:

1-3a” Đức Giêsu nói với các môn đệ...”:

“Cớ vấp ngã”ở đây không có nghĩa là gương xấu nhưng là một chướng ngại hay một cạm bẫy(Is 8,14-15; Rm 9,3; 1Pr 2.8). Theo nghĩa này thì “cớ vấp ngã”có nhiều: Đức Giêsu (Mt 11,6); loài người (Mt 5,29); thế gian (Mt 13,41); sự bách hại (Mt13,29). nhưng Chúa khiển trách nặng nề những ai cố ý gây cho những kẻ bé nhỏ vấp phạm. để diễn tả tội làm cho những kẻ bé nhỏ vấp phạm nặng nề đến mức nào thì Chúa so sánh với tội bị án treo cối đá vào cổ rồi buông xuống sông, một thứ tội rất nặng và bị hình phạt rất nhục nhã” những kẻ bé mọn” ở đây là những trẻ em đơn sơ, nhưng cũng hiểu là những người dân thường, quê mùa kém học, hoặc những người con non yếu đức tin. vì thế Chúa cảnh giác các môn đệ phải đề phòng là vì vậy.

3b-4”Nếu người anh em xúc phạm đến anh...”

Sống trong cộng đoàn cần phải sửa chữa và tha thứ lỗi cho nhau, việc tha thứ này không có giới hạn số lần bao lâu tội nhân biết hối hận thì bấy lâu phải tha thứ.

5-6”Thưa Thầy, xin thêm lòng tin...”

Khi nghe Đức Giêsu huấn dụ về việc tránh cớ vấp phạm cho những kẻ bé mọn và phải sửa lỗi cũng như phải tha thứ cho nhau, các môn đệ thấy thực hành khó khăn, nên đã xin Chúa thêm đức tin mạnh hơn để có thể thi hành những giáo huấn của Chúa. Thấy vậy, Chúa khích lệ bằng cách chỉ cho thấy sức mạnh tuyệt vời của đức tin: đức tin tuy bé nhỏ nhưng có sức mạnh làm được những việc phi thường, ví như hạt giống nhỏ bé lại có tiềm năng trở thành một cây lớn.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Để trung thành với Chúa, chúng ta phải vượt qua những trở ngại, những cạm bẫy của thế gian của xác thịt và của ma quỷ, nhưng chúng ta không được phép gây cớ xúc phạm cho những kẻ bé mọn.

2. Cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn.

Khi cha mẹ không chăm lo dạy dỗ con cái cho nên người và giáo dục chúng sống đáng con cái của Chúa, khiến cho con cái hư thân mất nết và sống đạo khô khăn nguội lạnh.

Khi chúng ta không tích cực nâng đỡ kẻ yếu đuối, răn dạy kẻ mê muội về giáo lý, an ủi âu lo thất vọng, khiến người ta mất đức tin, yếu kém lòng trông cậy, thiếu cố gắng sống hoàn thiện.

Khi chúng ta không sống đúng với bổn phận và trách nhiệm của mình, khiến chúng ta trở thành “người mù dắt người mù”làm cho người khác vấp ngã.

3. Khi chúng ta biết sửa lỗi và tha thứ cho anh em thì chúng ta không phải là người nhu nhược, nhưng người thắng được tự ái của mình, và giúp anh em từ bỏ được tính mê nết xấu của họ. Đó là việc giúp đỡ anh em và xây dựng đời sống cộng đoàn.

4. Tha thứ cho nhau là điều Chúa buộc ta, và không được lơ là điều ta cam kết với Chúa trong kinh lạy Cha “xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ với chúng con”.

5. Chúa dạy tha thứ không giới hạn vì người tha thứ là người giàu tình thương...như Thiên Chúa tha thứ không biết mệt mỏi thì môn đệ Chúa cũng phải tha thứ vô định hạn. nếu có giới hạn cho sự tha thứ, thì không phải ở phía người tha thứ, nhưng tiếc thay, là ở phía người kia không chấp nhận sự tha thứ.

Nhờ đức tin người ta có sức mạnh thực hành theo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Nhờ đức tin người kitô hữu có những năng lực phi thường, năng lực ấy người kitô đón nhận được nếu họ tin Đức Kitô và trông cậy nơi Người.

- Đức tin của Ap-ra-ham: cha của những kẻ tin.

- Đức tin của Đức Maria: phúc cho em vì đã tin những lời Chúa phán sẽ được thực hiện.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.